Không ồn ào như các cuộc bàn luận về lý thuyết, công nghiệp 4.0 đang chuyển động âm thầm sau cánh cửa các nhà máy cơ khí Việt Nam.
Nhiều người trong giới cơ khí biết đến ông Nguyễn Lưu Dũng. Là giám đốc của Vinamachines, chuyên phân phối máy cơ khí chính xác ở Việt Nam, nhưng danh thiếp của ông chỉ ghi đơn giản ‘Technical Advisor’, tức ‘Cố vấn kỹ thuật’. “Công ty tôi ai cũng là người đi bán máy như nhau cả”, ông bảo.
Ít phô trương, khá kín tiếng là điểm mà Dũng không giống với nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí. Khi ‘cơn lốc’ chủ đề 4.0 quét qua hàng loạt diễn đàn, hội thảo lớn nhỏ thời gian qua, không ít người thắc mắc các doanh nghiệp này quan tâm ra sao? Phía sau cánh cửa nhà máy, 4.0 đã đến chưa, với các robot, máy in 3D?
“Tôi vừa giao cho một đơn vị sản xuất thang máy hai dàn máy giá 20 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, dùng để gia công tấm kim loại công nghệ 4.0. Với tổ hợp này, việc gia công các tấm thang máy inox ngày xưa mất 8 giờ thì nay chỉ còn một giờ”, ông Dũng tiết lộ giải pháp đã nâng công suất từ 300 lên 600-800 thang máy mỗi tháng cho công ty khách hàng.
Công nhân điều khiển máy cắt bằng tia nước tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM). Ảnh: Viễn Thông
Trong ngành cơ khí, những máy móc hiện đại hàng đầu không phải không có. Máy cắt nước, vốn có ưu điểm hơn máy cắt laser vì cắt được mọi vật liệu mà không làm chúng biến dạng, là ví dụ.
Thế hệ cao cấp hàng đầu hiện là máy cắt bằng tia nước đa trục 3D của Mỹ với giá 500.000 – 700.000 USD, đã xuất hiện trong một doanh nghiệp. Khoảng 50 công ty tại Việt Nam sở hữu thế hệ thấp hơn chút, với giá tầm 200.000 – 400.000 USD mỗi máy. Trong đó, tầm 200.000 USD là xuất xứ Đài Loan, đắt hơn được sản xuất trong khối G7.
Tuy nhiên, những thông tin đầu tư máy móc thường không được các doanh nghiệp chia sẻ vì lý do cạnh tranh. Gần đây, VinFast công bố sẽ tự động hóa hoàn toàn nhà máy ôtô. Nhưng làm được và chia sẻ được như ông lớn này chỉ là thiểu số. Ở đa số còn lại, hầu hết doanh nghiệp trong ngành sản xuất chế tạo Việt Nam làm khá lặng lẽ, bởi nhiều lý do.
Đầu tiên, 4.0 không phải cuộc chạy đua để đánh bóng tên tuổi. Một số doanh nghiệp cho biết họ chỉ đầu tư khi thật sự có đơn hàng phù hợp, chứ không ‘lên đời’ mọi giá để lãng phí vốn và công nghệ.
Anh Thăng Long là trưởng phòng kỹ thuật một nhà máy gia công mô tơ cho Toshiba ở Trảng Bom, Đồng Nai – nhà máy sở hữu hai máy tiện và một máy phay. Máy tiện tại đây là loại máy 4 trục.
“So với nước ngoài thì dòng 4 trục không mới. Tuy nhiên, khi gia công hàng gì thì mình sẽ chọn loại máy nào để làm tối ưu. Thế giới có loại 5 trục nhưng mình chưa có đơn hàng cần máy đó nên chỉ dùng loại 4 trục. Nếu có, lãnh đạo nhà máy sẽ đầu tư thôi”, anh Long nói.
Thứ hai là vốn. Trong một lần gặp gỡ báo chí, lãnh đạo Công ty Shin Fung tại Khu công nghiệp Song Mây (Đồng Nai) cho biết đang bàn bạc để sắm một dây chuyền hàn đúc tự động. Dây chuyền mới sẽ giúp nâng công suất lên 30% và cần một triệu USD để đầu tư. Với các doanh nghiệp cơ khí quy mô trung bình ở Việt Nam, một dây chuyền triệu USD không phải con số nhỏ.
“Đối với các ngành như bất động sản hay ngân hàng thì vài chục tỷ đồng là bình thường. Nhưng với doanh nghiệp cơ khí thì họ rất tiết kiệm và căn cơ. Nói đến vài tỷ thôi thì họ đã phải rất cân nhắc chứ không thoải mái như các ngành kia được”, một chuyên gia kinh tế bình luận với VnExpress.
Một góc tổ hợp thực hành robot tự động hóa của Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật thuộc Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Viễn Thông
Thứ ba là nhân lực. 4.0 không đơn giản bỏ tiền lắp một dàn máy tự động là xong. Vẫn cần đội ngũ để vận hành chúng. Trong khi đó, lao động kiểu ‘vừa thừa vừa thiếu’ ở Việt Nam thì không mới.
Hồi giữa tháng 6, Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) đã thành lập Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Phát biểu tại buổi ra mắt, ông Lê Hoài Quốc – Trưởng ban SHTP cho biết Trung tâm này ra đời bởi nhu cầu cấp thiết về lao động nghề chất lượng cao, nắm bắt các kiến thức về 4.0, để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất chế tạo.
Những chuyển động âm thầm sau cánh cửa nhà máy không qua mắt được giới kinh doanh. Một loạt doanh nghiệp sản xuất máy công cụ Đài Loan gần đây nhộn nhịp mang những mặt hàng hiện đại nhất sang chào bán.
Ví dụ như hệ thống in laser và tạo hình 3D của TTGroup, robot tự học bằng quan sát không cần qua lập trình, robot có thị giác, thính giác, xúc giác của Hiwin. Hay như hệ thống điều hành sản xuất thông minh ứng dụng MES và IoT của Takisawa.
Theo số liệu của Viện nghiên cứ Topology (Đài Loan), thị trường sản xuất thông minh toàn cầu đạt giá trị 250 tỷ USD năm ngoái và dự đoán chạm mốc 320 tỷ USD vào 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường nhỏ nhưng triển vọng. Tuy nhiên, còn có một thực tế khác. Những chuyển động tích cực về hướng 4.0 chưa phải là đa số trong các nhà máy cơ khí.
“Đa số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn thì dùng máy mới của Đài Loan, Âu Mỹ. Còn doanh nghiệp nhỏ thường dùng máy bãi. Máy bãi tức là máy vẫn hoạt động bình thường nhưng quá niên hạn sử dụng theo quy định tại nước đó”, một chuyên gia cơ khí thẳng thắn cho biết.
Bản thân ông Dũng cũng thừa nhận, cơ khí nội địa vẫn còn dùng hàng cũ nhiều. Nhưng bóng dáng của 4.0 là rất tích cực. “Ngành gia công cơ khí chúng ta khá lạc hậu với tầm 70% đang dùng máy cũ nên công suất thấp. Tuy nhiên, hãy nhìn các tín hiệu như Samsung, GE hay Boeing đã và có ý định vào Việt Nam. Điều đó phản ánh rằng, phần nào các đại gia tin tưởng thế hệ công nghệ mới của Việt Nam sẽ sớm được nâng tầm”, ông Dũng bình luận.
Viễn Thông (Vnexpress)